Việt Nam sẽ có 50.000 kĩ sư vi mạch, trở thành trung tâm toàn cầu về nhân lực bán dẫn

Tháng Năm 7, 2024by Hằng Hoàng
Ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu.

Ngày 4/5, tại Hà Nội, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà dự Hội thảo quốc tế “Nguồn nhân lực bán dẫn Việt Nam trong chuỗi cung ứng toàn cầu”, do Tập đoàn Phenikaa, Trường ĐH Phenikaa phối hợp Tập đoàn Synopsys và ĐH Bang Arizona của Mỹ tổ chức.

Tại hội thảo, các đại biểu đã thảo luận những nội dung quan trọng xung quanh vấn đề nhân lực cho lĩnh vực vi mạch bán dẫn tại Việt Nam như tính khả thi của việc đào tạo 50.000 kỹ sư vi mạch Việt Nam đến năm 2030…

Theo PGS-TS Hồ Xuân Năng, Chủ tịch Tập đoàn Phenikaa, việc tạo dựng mối liên kết chặt chẽ, tương hỗ giữa 3 “nhà” là các cơ quan Nhà nước – các viện, trường đại học và các doanh nghiệp trong ngành, là nhu cầu thiết yếu để thúc đẩy việc đào tạo nguồn nhân lực vi mạch bán dẫn bảo đảm khả năng đáp ứng nhu cầu xã hội cả về lượng và chất.

Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nhấn mạnh: “Người Việt Nam có gen về khoa học, công nghệ, kỹ thuật và toán học, rất hợp với ngành công nghiệp bán dẫn. Lợi thế về gien cũng không kém gì lợi thế về địa chính trị. Đây là lợi thế độc đáo không thể copy”.

Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà khẳng định, ngành công nghiệp vi mạch bán dẫn là ngành công nghiệp nền tảng, định hình sự phát triển của nhiều lĩnh vực khác nhau trong nền kinh tế toàn cầu. Thế giới đã chứng kiến thị trường chip bán dẫn giữ vững tốc độ tăng trưởng nhanh và ổn định trong suốt 20 năm qua được dự báo sẽ trở thành ngành công nghiệp với quy mô hàng ngàn tỉ USD vào năm 2030.

Trong xu thế chuyển dịch chuỗi sản xuất khu vực và toàn cầu, Việt Nam có lợi thế về địa kinh tế, môi trường đầu tư, kinh doanh thuận lợi, với các chính sách thu hút đầu tư hấp dẫn, nguồn nhân lực trẻ, có trình độ cơ bản, khả năng tiếp cận công nghệ mới; nguồn nguyên – vật liệu thuận lợi… Bên cạnh đó, Việt Nam hiện có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với hầu hết các nước có ngành công nghiệp bán dẫn phát triển. Vì vậy, Việt Nam đang đứng trước thời cơ to lớn để trở thành một điểm đến chiến lược trong chuỗi cung ứng toàn cầu của ngành công nghiệp bán dẫn.

Theo Phó Thủ tướng, Chính phủ đang tập trung xây dựng Chiến lược phát triển ngành công nghiệp bán dẫn và Đề án đào tạo nguồn nhân lực cho ngành công nghiệp bán dẫn theo tiêu chuẩn quốc tế. Việc nhanh chóng xây dựng được đội ngũ nhân lực chất lượng cao, có chuyên môn sâu về vi mạch bán dẫn được cho là bài toán mấu chốt, là cơ hội, cũng là thách thức lớn nhất để Việt Nam phát huy tốt tiềm năng, lợi thế, tham gia vào chuỗi giá trị của ngành công nghiệp bán dẫn.

Phó Thủ tướng khẳng định cần xây dựng tháp nhân lực để đáp ứng nhu cầu nhân lực cho hệ sinh thái công nghiệp bán dẫn, cũng như phát huy được năng lực, sở trường, nhất là về toán học, khoa học cơ bản vốn là thế mạnh của Việt Nam. Vì thế, cần có cơ chế để có thể thúc đẩy sự tham gia của doanh nghiệp trong việc đào tạo, nâng cao chất lượng nguồn nhân lực. Muốn đào tạo hàng chục ngàn lao động chất lượng cao trong ngành công nghiệp bán dẫn, trước hết phải ưu tiên đào tạo, thu hút đội ngũ giáo viên, giảng viên chất lượng cao, có kinh nghiệm chuyên sâu trong ngành để nâng cao chất lượng giảng dạy.

Nguồn: Người Quan Sát